Năm 2017, xây nhà bình dân có thành phong trào?

Phân khúc nhà bình dân đang trở thành “đường sống” khác của không ít đại gia bất động sản (BĐS) vốn quen làm nhà hạng sang do quỹ đất tại Tp.HCM đang bị thu hẹp.

Đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các đại gia địa ốc tìm dư địa mới ở ngoại thành một phần do nội thành đã quá tải. Ảnh: Quang Định

Về phía nguồn cầu, nhà ở bình dân là phân khúc được đón nhận rất tốt từ thị trường, nơi người thu nhập trung bình chiếm số đông. Nhưng vấn ở chỗ, liệu thực sự sẽ có nhiều nhà giá thấp cho người dân?

Những dự báo lạc quan

Theo ông Marc Townsend, TGĐ Công ty CBRE Việt Nam, từ nay đến năm 2019, nguồn cung sẽ tiếp tục tăng, nhất là căn hộ. Đáng chú ý, thị phần của phân khúc nhà ở bình dân là một xu hướng được đơn vị nghiên cứu CBRE khẳng định sẽ tạo thành làn sóng cho BĐS.

Cụ thể, đại diện CBRE nhận định: “Thị trường năm 2017 sẽ tập trung hơn vào thị phần bình dân và trung cấp, với gần 40% tổng số căn mới chào bán thuộc phân khúc bình dân”.

Theo ông Marc Townsend này, cả lực lượng chủ đầu tư trong nước lẫn các công ty liên doanh đang rất tích cực trong việc điều chỉnh dự án của mình sao cho phù hợp với xu hướng thị trường. Vị này đặc biệt chú ý việc gần đây các đại gia “nhảy” vào phân khúc BĐS bình dân.

Thực tế cho thấy, hiện nhiều nhà phát triển đã và đang chuẩn bị một loạt các dự án BĐS ở khu vực quận 9, quận 8, Thủ Đức, Bình Chánh…

‘Với một thị trường còn đang khát nhà giá rẻ như hiện nay thì các sản phẩm phân khúc bình dân sẽ không thể đáp ứng đủ trong tức thời. Dự đoán tỉ lệ hấp thụ sản phẩm thuộc phân khúc này có thể lên đến 60% trong khi các phân khúc còn lại chỉ dao động từ 30 – 50%. Đây là một tin vui cho thị trường BĐS năm 2017’ – ông Marc Townsend nói thêm.

Có thực sẽ xuất hiện nhiều nhà bình dân?

Theo như dự báo mà CBRE đưa ra thì thị trường 2017 và những năm tới rất khả quan mà người hưởng ưu đãi nhiều nhất vẫn là người dân. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là các đại gia BĐS có thực sự muốn nhảy vào phân khúc này lâu dài hay đây chỉ là một phong trào nhất thời trong thời điểm nhà cao cấp và hạng sang đang chững lại?

Làm nhà giá rẻ không chỉ để  bán nhà

Khi thấy nhiều doanh nghiệp bỗng dưng làm nhà giá rẻ dù trước đó họ toàn làm hạng sang, không ít người đặt câu hỏi liệu đó có phải là cách để đại gia thu thêm lợi nhuận từ các dịch vụ khác như siêu thị, y tế, trường học không.

Nhiều người trong ngành lẫn các chuyên gia có cùng câu trả lời là có.

Với doanh nghiệp có nhiều dịch vụ phụ trợ, họ có thể sẽ tăng doanh thu từ phía các dịch vụ này thay vì chỉ thuần túy một nguồn thu từ BĐS.

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), phân khúc này chưa bao giờ hết sức hút đối với thị trường.

‘HoREA luôn khuyến khích các nhà phát triển BĐS chuyển sang phân khúc này, nhất là thời điểm khi mà phân khúc cao cấp đang có xu hướng chững lại như hiện nay. Đây cũng là điều giúp cho các doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh, bổ sung vào rổ sản phẩm của mình các mặt hàng mới thu hút hơn. Từ đó thị trường cũng được điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn’, ông Châu nói. Ngoài ra người đứng đầu HoREA cũng lưu ý thêm, việc dịch chuyển sang phân khúc nhà ở xã hội và phân khúc bình dân sẽ giúp các chủ đầu tư giảm bớt rủi ro về thanh khoản.

Còn theo giám đốc một công ty địa ốc tại Tp.HCM, việc các đại gia dịch chuyển phân khúc là yếu tố bắt buộc để tồn tại. Vị này nhận xét:  “Trước đây, các khu đất vàng đều được các đại gia BĐS thâu tóm và sau đó tung ra từ từ. Tuy nhiên càng nhiều đại gia nhảy vào phân khúc hạng sang và cao cấp thì việc bão hòa thị trường là vấn đề thời gian. Với dự báo 3 – 5 năm tới phân khúc nhà cao cấp sẽ bão hòa trên thị trường thì họ phải tìm đường sống khác thôi”.

Ngoài ra, phải kể đến nhiều yếu tố dẫn đến việc các đại gia đi ra ngoại thành tìm dư địa mới như việc quá tải trong nội thành thành phố, vấn nạn kẹt xe, hạ tầng thành phố đông đúc…. Do giá đất ngoại thành thấp nên giá bán căn hộ sẽ dễ thở hơn.

Tuy nhiên, vị giám đốc công ty nói trên cũng lưu ý một thực tế là dù các đại gia BĐS có nhảy vào phân khúc này thì chưa chắc sản phẩm mà họ đưa ra thị trường được gọi là nhà bình dân.

“Mức giá hợp lý của căn hộ bình dân chỉ nên dao động từ 8 – 15 triệu đồng/m2, trong khi không ít chủ đầu tư rao là làm nhà giá rẻ nhưng nếu cộng ngược cộng xuôi một hồi tính ra mỗi mét vuông cũng gần 20 triệu đồng. Giá đó thì đâu được gọi là nhà bình dân nữa, người bình dân làm sao mua sao nổi”, vị này nói.

(Theo Tuổi trẻ online)