Làn sóng BĐS ngoại thứ 3 tràn vào Việt Nam

Làn sóng bất động sản (BĐS) thứ 3 này đến từ các nước Đông Nam Á và tập trung vào tầng lớp trung lưu mới nổi tại Việt Nam.

Cuối tháng 8/2016, Tập đoàn Anpha Holdings (Việt Nam) hợp tác chiến lược với công ty BĐS quốc tế PropNex International Singapore giới thiệu dự án Star Residences Two ở Malaysia với các nhà đầu tư trong nước. Dự án này do tập đoàn BĐS UMLand và Symphony Life của Malaysia phát triển tại thủ đô Kuala Lumpur, cao 58 tầng, bao gồm 482 căn hộ có diện tích từ 68-120 m2, giá bán từ 5.700-6.800 USD/m2.

Ngay sau Star Residences Two, Anpha Holdings sẽ tiếp tục giới thiệu 3 dự án khác ở Singapore là tổ hợp căn hộ Sims Urban Oasis, Wallich Residence và Leedon Residence vào cuối tháng 9 này. Các dự án này đều được phát triển bởi Tập đoàn GuocoLand Limited. Theo đại diện Anpha Holdings, họ sẽ giới thiệu các dự án BĐS ở Úc đến nhà đầu tư trong nước vào tháng 11/2016.

Malaysia là quốc gia Đông Nam Á thứ hai sau Singapore chào mời các nhà đầu tư Việt Nam. Trước đó, chương trình mời đầu tư BĐS ở Mỹ, Úc được tung ra khá rầm rộ. BĐS tại Úc có sức hút với nhà đầu tư trong nước là nhờ lãi suất thấp, chính sách thuế ưu đãi, môi trường kinh tế chính trị ổn định, thuận lợi cho cả đầu tư BĐS nhà ở và thương mại, nhu cầu thuê cao… Nhưng các công ty kinh doanh BĐS như Iron Fish tìm đến Việt Nam sau khi Chính phủ Úc tìm cách hạn chế làn sóng mua BĐS Úc từ giới nhà giàu Trung Quốc.

Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Việt Nam, nhiều ngân hàng Úc cũng hỗ trợ cho vay lên đến 70% giá trị BĐS, lãi suất khoảng 4% năm. Đại diện của Iron Fish cho biết, BĐS Úc có thể mang đến mức sinh lời từ 10-20% hằng năm trên tổng giá trị.

Thực chất, mức sinh lời của BĐS Úc hay ở Malaysia không phải là điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư trong nước mà đó là việc được hưởng các quyền lợi như người bản xứ, môi trường sống và đặc biệt là con cái của họ được thụ hưởng các chương trình giáo dục tiên tiến của các quốc gia nói trên. Theo đại diện của Iron Fish, nhóm khách hàng từ Việt Nam, phần lớn là Tp.HCM, đã mua BĐS Úc chủ yếu cho con sử dụng khi sang du học hoặc cho thuê lại.

20160921100347-cd38

Dự án Star Residences Two tại thủ đô Kuala Lumpur. Ảnh: propertyexchange.com.my

Xu hướng này đã có cách đây ít nhất 5 năm. Viện Chính sách di dân của Mỹ cho hay, đến năm 2009 các gia đình ở Việt Nam đã gửi hơn 100.000 sinh viên du học ở 50 quốc gia. Tính đến năm 2010, các quốc gia có sinh viên Việt Nam theo học nhiều nhất là Úc (25.000), Trung Quốc (13.000), Mỹ (12.000), Singapore (7.000), Anh (6.000), Pháp (5.000), Nga (5.000) và Nhật (3.000).

Trong đó, dù Mỹ và Úc có chi phí rất đắt đỏ nhưng vẫn thu hút nhiều sinh viên Việt Nam. Theo Viện Giáo dục Quốc tế, giai đoạn năm 2000-2014, tỉ lệ học sinh Việt Nam ở các cơ sở giáo dục của Mỹ đã tăng đến 700%.

Tuy nhiên, xu hướng này vẫn chưa ảnh hưởng đến thị trường BĐS trong nước. Đại diện Công ty Him Lam cho rằng, chỉ có nhóm siêu giàu ở Việt Nam mới là khách hàng mục tiêu của các công ty BĐS nước ngoài do mua để con cái du học hoặc làm ăn. Nhóm này lại không đại diện cho đa số khách hàng hiện nay nên thị trường BĐS trong nước không bị ảnh hưởng nhiều.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM nhận xét, hiện Singapore là quốc gia được giới nhà giàu Việt Nam chọn làm căn nhà thứ hai vì môi trường sống và hệ thống giáo dục tốt; nhưng số này không nhiều nên không ảnh hưởng đến thị trường.

Còn ở các quốc gia như Mỹ, giá nhà nhiều nơi chỉ tương đương căn hộ cao cấp ở quận trung tâm tại Việt Nam nhưng hiện thị trường BĐS nước này đã đi vào ổn định, đầu tư 1 năm lãi không nhiều (chỉ khoảng vài ngàn USD) nên nhu cầu mua để ở là chính. Hơn nữa giới này cũng không nhiều.

Theo một chuyên gia tài chính ở Tp.HCM, đây là làn sóng nhà đầu tư BĐS ngoại thứ 3 tràn vào Việt Nam. Làn sóng thứ nhất bắt đầu từ những năm 2000-2007, khi nhiều người Việt giàu lên nhờ thị trường chứng khoán đã tìm đến BĐS ở các nước như Canada, Mỹ. Làn sóng thứ hai bắt đầu từ những năm 2008-2010, khi các ngân hàng trong nước nới lỏng các khoản vay tín dụng mua nhà, hình thành làn sóng đầu tư BĐS ở các nước như Úc, Singapore.

Làn sóng thứ ba đến từ các nước Đông Nam Á và tập trung vào tầng lớp trung lưu mới nổi ở Việt Nam, tuy khả năng tài chính của nhóm này ít hơn các nhóm trước nhưng vẫn mong muốn con cái được học và định cư ở nước ngoài.

Theo thông tin từ website globalpropertyguide.com, đến quý III/2015, giá nhà trung bình tính của Maylaysia là hơn 72.000 USD. Theo website nói trên, mức giá này thấp hơn nhiều so với BĐS ở Úc. Tính đến tháng 9/2015, giá nhà trung bình ở Úc lên tới hơn 400.000 USD/căn. Thành phố có giá trung bình cao nhất là Sydney với hơn 500.000 USD/căn. Bang Tasmania có giá “mềm” nhất, trung bình 225.356 USD/căn.

Song, tờ The Economist cho rằng, BĐS Úc đang được định giá cao đến 30% so với giá trị thực do làn sóng đầu tư ồ ạt của giới đầu tư Trung Quốc trong thời gian qua và có thể giảm giá trong tương lai. Trong khi ở Mỹ, theo Cục Điều tra Dân số nước này, giá một căn hộ trung bình tính đến tháng tháng 4/2016 vào khoảng 290.000 USD/căn (đã bao gồm giá đất).

Theo nhận định của Viện Chính sách di dân Mỹ, xu hướng di cư của người Việt sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Các hiệp định thương mại tự do, phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến việc di cư ra nước ngoài của người Việt ở một chừng mực nhất định.

Đơn cử, các hiệp định như Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chắn chắn sẽ tác động đến xu hướng di cư của người Việt. Theo khẳng định của Viện Chính sách di dân Mỹ, nếu các hiệp định thương mại trên không thay đổi các quy định nhập cư giữa các nước thành viên thì những tác động kinh tế từ thương mại gia tăng sẽ tác động trực tiếp đến việc di cư của người dân giữa các nước.

(Theo Nhịp cầu đầu tư)